Những năm qua thực hiện đề án môi trường trên địa bàn nên tình trạng rác thải vứt bừa bãi đã giảm hẳn. Người dân đã có ý thức hơn trong việc thu gom và tập kết rác theo định kỳ thu gom. Năm 2010 UBND xã Hưng Thịnh xây dựng đề án môi trường trên địa bàn xã. Với mục tiêu đầu tiên đó là các hộ gia đình tự thu gom, phân loại và xử lý rác thải. Rác thải phân hủy được và không phân hủy được. Đối với những loại phân hủy được có thể gom lại để làm phân bón cho vườn, đối với những loại không phân hủy thì đem đốt hoặc chôn cất. Tuy nhiên, trên thực tế đề án không mang lại tính khả thi cao. Người dân vẫn vứt rác thải bừa bãi ra ngoài đường, đặc biệt dọc các trục đường lớn của xã.
Đến năm 2014
đề án tiếp tục được điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Lúc này đề án được đưa vào thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý. UBND xã
đã hợp đồng với công ty môi trường đô thị Vinh. Để thực hiện được nội dung này
thì phải thu phí môi trường và tính trên khẩu đang sống trên địa bàn. Ngoài việc
thu phí từ người dân UBND xã còn trích nguồn ngân sách của xã để bù vào số kinh
phí còn thiếu so với thực tế rác thải trên địa bàn. Ban đầu nhiều người dân còn
trốn tránh nghĩa vụ nộp phí nên còn mang
rác thải vứt bừa bãi khiến việc thu gom gặp nhiều khó khăn. Việc thu gom rác
chưa triệt để. Tuy nhiên, do khối lượng rác thải nhiều hơn so với dự kiến của đề
án nên UBND xã đã trình HĐND xã xin điều chỉnh mức thu để đảm bảo nguồn kinh
phí chi trả cho công tác môi trường. Tại kỳ họp thứ 9 HĐND xã khóa 18, đã biểu
quyết thông qua mức thức thu từ 3000đ/ người/ tháng tăng lên 4000đ/ người/
tháng.
Từ năm 2015 UBND xã Hưng Thịnh đã hợp
đồng với công ty môi trường và cây xanh huyện Hưng Nguyên. Mặc dù việc thực hiện
đề án môi trường đến nay đã được gần 10 năm, người dân đã thấy được những lợi
ích của việc thu gom rác tránh tình trạng để rác bừa bãi ra ngoài môi trường.
Tuy nhiên, do sự ỷ lại, một số người dân nghĩ rằng đã mất tiền nộp phí nên
không còn quan tâm tới việc phân loại và xử lý một số rác tại hộ gia đình. Bên
cạnh đó Hưng Thịnh là địa bàn phụ cận thành phố Vinh đời sống của người dân
ngày càng cao kéo theo lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày cũng tăng lên. Mỗi
năm xã Hưng Thịnh phải chi trả cho công ty cây xanh và môi trường Hưng Nguyên
hơn 400 triệu đồng phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Trong khi đó số tiền phí
thu được từ nhân dân chỉ đạt khoảng 300 triệu đồng/ năm. Số tiền còn thiếu UBND
xã phải trích từ các nguồn khác để bù chi trả. Qua gần 10 năm thực hiện đề án
thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn xã Hưng Thịnh đã 2 lần phải
điều chỉnh mức thu phí môi trường đến nay mỗi khẩu nộp 7.000đ/tháng. Song trên
thực tế mức thu này cũng mới chỉ đáp ứng được một phần ngân sách chi trả cho hoạt
động môi trường. Rác càng ngày càng tăng, nguồn thu phí từ nhân dân không đủ để
chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý. Mặc dù còn nhiều khó khăn
trong hoạt động ngân sách nhưng để môi trường trên địa bàn được sạch đẹp UBND
xã đã tiết kiệm ngân sách, huy động từ các nguồn khác nhau để chi trả đủ cho
công tác vệ sinh môi trường. Mỗi tháng 4 đợt công ty môi trường trực tiếp đến
thu gom rác tại hộ gia đình sau đó đem ra bãi tập kết. Tuy nhiên, do ý thức của
một bộ phận người dân muốn sạch trong nhà mình nhưng lại đem rác vứt bừa bãi dọc
một số trục đường của xã. Qua kiểm tra công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn
nhận thấy một số trục đường lớn vẫn còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi như trục
đường từ xóm 2 xuống xóm 4, trục đường từ UBND xã xuống cầu nhà trường, dọc đường
tránh Vinh phía giáp xã Hưng Thịnh, trục đường đang thi công từ Hưng Mỹ xuống
Hưng Thịnh đoạn qua ủy ban… Bên cạnh đó một số gia đình chưa đến ngày tập kết
rác thải nhưng hàng ngày vẫn đem rác để ngoài đường như dọc đường từ 558 xuống
cổng làng Yên Thượng. Những hành động
này thể hiện ý thức bảo vệ môi trường của
một bộ phận nhân dân còn kém.
Vừa qua, ban công an cũng đã mời một số
trường hợp vứt rác bừa bãi không đúng ngày, đúng nơi quy định để nhắc nhở, trường
hợp nếu tái phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.
Bên cạnh đảm bảo công tác vệ sinh môi
trường trong thu gom và xử lý rác thải thì việc bảo vệ môi trường trong việc
dùng thuốc hóa học của người dân vẫn còn nhiều. Nhiều hộ gia đình vẫn còn lạm dụng
thuốc diệt cỏ để phun trừ cỏ ở các bờ ruộng, bờ mương… Sử dụng những loại thuốc
này có thể giảm thời gian và công sức trong lao động. Tuy nhiên, các loại thuốc diệt cỏ này rất độc hại, theo thời gian nó sẽ
ngấm sâu vào trong lòng đất, ngấm vào nước ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe lâu
dài của con người. Chính vì vậy chúng ta nên hạn chế, thậm chí nên bỏ đi thói
quen sử dụng những loại thuốc này vào sản xuất để bảo vệ sức khỏe cho bản thân
mình và cho thế hệ tương lai.
Mặc dù xã Hưng Thịnh đã về đích Nông
thôn mới năm 2020, môi trường trên địa bàn cơ bản đã đảm bảo. Tuy nhiên, để tiếp
tục xây dựng Nông thôn mới nâng cao, tiến tới Nông thôn mới kiểu mẫu như Nghị
quyết đại hội Đảng bộ lần thứ XXXI đã đề ra thì môi trường trên địa bàn không
chỉ có sạch mà còn cần phải đẹp. Để làm được điều đó các ban ngành đoàn thể từ
cấp xã đến xóm, mỗi người dân cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Để hạn chế bớt các loại rác thải cần thường xuyên tuyên truyền sâu rộng
trong nhân dân về việc phân loại rác. Những loại rác phân hủy được như rơm rạ,
rau… nên gom lại làm phân bón cho vườn. Những loại rác không phân hủy như túi
ni lông thì gom lại để xử lý. Không đem rác thải xây dựng để tập kết vào bãi
rác của xã. Tập kết rác đúng ngày quy định. Những trường hợp vứt rác bừa bãi, vứt
rác không đúng ngày quy định sẽ bị xử phạt.
- Các xóm nên quy định mỗi tháng 1 ngày huy động toàn dân làm vệ sinh môi
trường để làm sạch từ nhà, ra ngõ và các trục đường của xóm. Dọn sạch cỏ dại
hai bên đường, phát động nhân dân trồng các loại cây hoa vừa làm sạch môi trường
vừa làm đẹp cảnh quan làng xóm. Giao cho mỗi tổ chức đoàn thể nhận một đoạn đường
để chăm sóc, duy tu, làm đẹp đoạn đường đó.
- Vận động nhân dân không dùng thuốc diệt cỏ để làm cỏ bờ, nên tự làm cỏ
bằng thủ công để tránh gây hại môi trường lâu dài hoặc dùng thuốc diệt cỏ bằng
sinh học.
- Ban tài chính xã nên có phương án thu triệt để những hộ gia đình còn nợ
phí môi trường, những người trốn tránh không chịu nộp phí để tránh thất thu và
đảm bảo cho việc thực hiện đề án môi trường trên địa bàn.
Để bảo vệ tốt môi trường nói
chung, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nói riêng trên địa bàn, thiết nghĩ mỗi người dân cần nâng cao ý
thức của bản thân trong mỗi hành động. Mỗi người chỉ cần một hành động nhỏ thôi
cũng đủ để môi trường trong lành và sạch đẹp.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỨT RÁC BỪA BÃI CỦA NGƯỜI DÂN
DƯƠNG CA